Đặng Thiều Quang kể chuyện Săn cá thần | Bóng 24h

Từ những nguyên mẫu ngoài đời Cuốn tiểu thuyết nho nhỏ “Săn cá thần” của nhà văn Đặng Thiều Quang mới ra mắt đầu tuần, được tiết lộ là”mượn” khá nhiều hình ảnh ngoài đời từ những người chung quanh anh, bạn bè, anh em, hoặc những “chiến hữu” trong CLB câu cá mà anh…

Từ những nguyên mẫu ngoài đời Cuốn tiểu thuyết nho nhỏ “Săn cá thần” của nhà văn Đặng Thiều Quang mới ra mắt đầu tuần, được tiết lộ là”mượn” khá nhiều hình ảnh ngoài đời từ những người chung quanh anh, bạn bè, anh em, hoặc những “chiến hữu” trong CLB câu cá mà anh tham gia, và cả phần nào chính bản thân anh. “Săn cá thần” kể về một nhóm người trong cuộc đi tìm con cá khổng lồ kỳ lạ trên vùng cao phía bắc. Ban đầu chỉ là ham vui, vô thưởng vô phạt, rồi cuối cùng tất cả bị cuốn theo vòng xoay kỳ lạ chung quanh con cá. Những mặt trái trần trụi nhất của cuộc sống dần lộ ra trong cuộc săn. Những người đi săn cá ban đầu vô cùng tự tin với những gì mình có, từ tiền đến công nghệ, nhưng cuối cùng chỉ nhận về một nỗi khinh bỉ khôn cùng. Đặng Thiều Quang chia sẻ, câu chuyện được xây dựng trên chất liệu của những cuộc đi câu trong nhóm câu cá, trong đó có cả những chuyến đi tìm con cá khổng lồ trên mạn ngược. Anh bật mí: “Năm 2009, những người bạn tôi nói rằng ở khu vực Điện Biên, Sơn La có một con cá rất to, có thể lật cả thuyền, cho nên chúng tôi đã tổ chức đi săn con cá đó. Bối cảnh lúc đó là cửa khẩu Chiềng Khương, nơi sông Mã chảy vào Việt Nam. Con cá được bà con quanh vùng mô tả có thể cắn cả chó, đớp cả chân một con bê, và đã trở thành một câu chuyện huyền thoại trong vùng. Chúng tôi đến nơi, nhưng kết quả chuyến câu chỉ là gãy cần, đứt cước và chỉ được nhìn thấy vây lưng con cá đó”. Đặng Thiều Quang cho biết, những chi tiết trong cuốn sách, dù hư cấu nhưng đều xuất phát từ những thực tế trong cuộc sống. Phát hành truyện trên mạng và… xe bus

Đặng Thiều Quang kể chuyện “Săn cá thần”

Tác giả ký tặng sách cho bạn đọc.

Đặng Thiều Quang chia sẻ, cuốn sách khởi thảo từ năm 2009, ban đầu anh chỉ viết “Săn cá thần” cho vui, xoay quanh việc đi câu, chứ không đặt ra yêu cầu cụ thể gì về tính nghệ thuật, lớp lang. Cuốn sách được anh viết theo kiểu cuốn chiếu, viết đến đâu đưa lên mạng Internet đến đó, cho mọi người vào đọc và bình luận, góp ý. Ngày qua ngày, số lượng bạn đọc mỗi lúc một tăng, mỗi khi anh viết chậm, những lời giục giã từ phía bạn đọc lại đổ về liên tiếp. Đến mức, có một thời gian anh ngại viết, bỏ lửng câu chuyện đó, nhiều độc giả đã nhiệt tình “tự sáng tác” tiếp câu chuyện của anh. Đến khi biên tập viên Phạm Trung Tuyến của VOV đọc được, anh đã thuyết phục Đặng Thiều Quang hoàn chỉnh để đăng câu chuyện dài kỳ trên báo in của VOV. Báo VOV phát hành trên xe bus, và không ít hành khách đã trở thành bạn đọc quen thuộc của Đặng Thiều Quang, ngóng chờ kỳ tiếp theo, trong đó có cả một anh chàng phụ xe nhiệt tình góp ý cho câu chuyện. BTV Phạm Trung Tuyến nhận xét, “Săn cá thần” khéo léo kết hợp cả yếu tố kỳ ảo và hiện thực trong câu chuyện, và lựa chọn một cái kết hướng thiện”. Cuốn sách có tính hành động và kết cấu như một bộ phim kinh dị, các tình huống kịch tính và tiết tấu được đẩy nhanh, bất ngờ. Trong buổi ra mắt cuốn sách của Quang, những người bạn trong CLB cũng có mặt và chia sẻ với anh chung quanh cuốn sách. Anh Lương Xuân Minh, một trong những thành viên của CLB câu cá bật mí về những ngày đọc những trang đầu tiên của bản thảo: “Lần đầu tiên đọc bản thao trên trang cá nhân của Đặng Thiều Quang, tôi đã có ấn tượng bởi vì “Săn cá thần” hoàn toàn khác với những hình dung về giọng văn trước đây của Quang. Trước đây, khi đọc văn Quang, tôi thường phàn nàn rằng anh có thể viết kỹ hơn, trau chuốt hơn như thế nhiều mà không làm. Đến mức một thời gian dài Quang không đưa bản thảo cho tôi đọc nữa, vì biết thế nào tôi cũng can. Những trang đầu của bản thảo “Săn cá thần” dang dở làm tôi sốt ruột, liên tục giục anh. Nhưng đến khi cầm bản thảo sách đầy đủ kèm với minh họa do chính anh vẽ, tôi lại quyết định không đọc mà chờ cho đến khi ra sách”. Nhiều bạn văn của Quang, trong đó có những tên tuổi như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, các nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, nhà thơ Lê Anh Hoài… đã đến dự buổi ra mắt sách và động viên Đặng Thiều Quang. Đặng Thiều Quang thừa nhận, “Săn cá thần” là một sự khác biệt, so với những tác phẩm anh cho ra đời trước đây, như “Bóng giai nhân”, Hoen rỉ”, “Chờ tuyết rơi”… Anh nói, điều mình muốn gửi gắm qua cuốn sách này là những giá trị tốt đẹp của cuộc sống như niềm tin, tình yêu sẽ tồn tại vĩnh cửu.

Tags: